Các bà mẹ hay lo lắng khi con gái đến tuổi dậy thì. Những thay đổi thường thấy ban đầu ở ngực nở rộng và nhô cao. Đồng thời bé phát triển chiều cao rất nhanh.Tiếp theo, lông mu và lông nách bắt đầu mọc, rồi sau đó là thấy kinh nguyệt lần đầu tiên. Hiện nay, các cô gái có kinh nguyệt lần đầu tiên sớm hơn mẹ có trước kia một năm.
Nguyên nhân tạo ra kinh nguyệt?
Việc kiểm soát hormone của kinh nguyệt bắt đầu trong một bộ phận của não bộ gọi là vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi tiết ra chất để giải phóng hormone của một bộ phận khác của não bộ gọi là tuyến yên, đó là hai hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH). FSH tác động lên buồng trứng làm các nang trứng phát triển. Mỗi nang chứa một trứng. Trong nhiều nang thì chỉ có một nang lớn lên và giải phóng trứng khi có LH được tiết ra ở giai đoạn đỉnh cao.
Sự phát triển của nang là kết quả dẫn đến việc tiết ra những hormone gọi là oestrogen trong cơ thể nên hiện tượng vú nở, mọc lông mu, lông nách, những đặc điểm tính nữ khác và sau đó là sự hoàn thiện của tử cung và kinh nguyệt.
Sau khi giải phóng trứng khỏi nang (sự rụng trứng), buồng trứng tiết ra thêm một hormone nữa gọi là progesterone. Cả hai hormone oestrogen và progesterone cùng tác động lên nội mạc tử cung làm nó dày lên. Trường hợp trứng không thụ tinh (không có thai), lượng oestrogen và progesterone giảm, gây ra kinh nguyệt.
Có những vấn đề gì về kinh nguyệt thường gặp ở tuổi dậy thì?
Sau khi được biết về tác động qua lại mật thiết giữa nhiều hormone khác nhau, chúng ta sẽ dễ dàng thấy những bất thường về kinh nguyệt có thể xảy ra, đặc biệt trong một vài năm sau lần có kinh nguyệt đầu tiên vì chu kỳ hoạt động của hormone giai đoạn này chưa ổn định.
Những hiện tượng kinh nguyệt bất thường hay gặp hơn ở tuổi dậy thì?
Không hiếm trường hợp bà mẹ lo lắng mang con gái khám phụ khoa vì cô con gái dậy thì bị vô kinh trong một vài tháng sau kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên. Khi khám tổng thể cô gái thì thấy những đặc tính sinh dục thứ phát phát triển tương xứng với độ tuổi. Khi khám trực tràng và siêu âm vùng chậu thì thấy kích thước tử cung bình thường. Cả hai mẹ con đều yên tâm sưu khi được giải thích vì hiểu rằng hiện tượng vô kinh này thường do không rụng trứng trong năm đầu sau khi có kinh.
Vô kinh thường chấm dứt tự phát với sự xuất hiện trở lại của kinh nguyệt. nếu vô kinh trên 6 tháng, có thể cho điều trị một đợt ngắn oestrogen và progesterone.
Đôi khi kinh nguyệt lại ra nhiều quá (cường kinh). Cường kinh thường xảy ra sau kỳ vô kinh vài tháng. Kinh nguyệt bình thường có màu đỏ thẫm, không có máu cục hoặc chỉ có rất ít cục nhỏ. Nếu kinh nguyệt ra nhiều mà màu đỏ tươi, có nhiều cục máu lớn, đặc biệt có kèm theo chóng mặt, hoa mắt thì lúc đó phải hỏi ý kiến bác sĩ.
Bác sĩ cần hỏi lượng máu bị mất để biết mức độ nghiệm trọng đến đâu. Nếu kinh nguyệt ra nhiều, người bệnh có làn da xanh xao. Phải đi siêu âm hay khám trực tràng để kiểm tra kích thước tử cung. Cần làm xét nghiệm máu đơn giản để biết nồng độ huyết cầu tố (Hb) giúp xác định mức độ thiếu máu.
Khi gặp tình huống này, bác sĩ thường kín đáo làm thêm xét nghiệm chẩn đoán thai để tìm nguyên nhân hiện tượng vô kinh (xét nghiệm được tiến hành này ngay cả đối với những cô gái được tiếng là đức hạnh).
Ý kiến của bạn