Mọi người đều thỉnh thoảng bị đau nhức xương khớp, như một chút đau ở vai, một chút vặn vẹo ở đầu gối,… Tuy nhiền nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ gặp tình trạng này thường xuyên hơn, đặc biệt là trong thời kì kinh nguyệt. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đau xương khớp và chu kì kinh
Khi bước vào kì kinh, bạn có khả năng đối mặt với muôn vàn loại đau đớn, như đau bụng kinh, đau tức ngực, đau đầu,… Và trong số này, có một loại đau cũng xảy ra rất thường xuyên, đó là đau nhức xương khớp. Bạn có thể bị đau bất kì khớp nào trên cơ thể khi kì kinh tới, nhưng thường gặp nhất là đau nhức khớp cột sống ở phần lưng dưới, khớp gối hoặc cảm giác nhức mỏi khắp cơ thể.
Khi bị đau nhức xương khớp, bạn có thể cảm thấy khó chịu về mặt thể chất ở nơi hai hoặc nhiều xương tiếp xúc với nhau tạo thành khớp. Mức độ đau có thể từ nhẹ tới nặng.
Tại sao nữ giới bị đau xương khớp trong kì kinh?
Nguyên nhân khiến nữ giới bị đau nhức xương khớp trong kì kinh không phải là những nguyên nhân riêng lẻ, mà là tập hợp một loạt các nguyên nhân. Bao gồm:
Thay đổi nồng độ hormone
Một chuyên gia về đau, Tarvez Tucker (thuộc Phòng khám Đau tại Trung tâm Y tế Đại học Kentucky, ở Lexington) cho biết:
Chu kì kinh nguyệt đặc trưng bởi sự thay đổi nồng độ tuyệt đối và tương đối của các hormone thuộc trục Buồng trứng – Tuyến yên – Vùng dưới đồi. Trong đó, sự thay đổi nồng độ estrogen được coi là nguyên nhân chính khiến nữ giới dễ bị đau nhức xương khớp khi bước vào kì kinh.
Theo đó, trong suốt cả chu kì kinh, estrogen tăng dần và giữ mức cao ổn định. Khi estrogen ở mức cao, nó bảo vệ cơ thể chống lại các cơn đau, viêm nói chung và có những tác động bảo vệ trực tiếp lên hệ thống xương khớp (như duy trì sự hình thành xương, sụn khớp; là chất điều hòa nội tiết tố chính của quá trình chuyển hóa xương,…). Tuy nhiên, ngay trước ngày hành kinh, nồng estrogen lại suy giảm mạnh, khiến vai trò bảo vệ này không còn được diễn ra nữa, điều này khiến cho nhiều nữ giới gặp phải các cơn đau nhức.
Nếu bạn đã có tiền sử bị các bệnh viêm khớp tự miễn từ trước (như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, đau cơ xơ hoám,…) thì bước vào những ngày hành kinh, bạn có thể thấy các triệu chứng bệnh dường như trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, hormone sinh sản estrogen còn được nghi ngờ là yếu tố làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn dịch ở phụ nữ trong những năm sinh đẻ. Bởi nó có khả năng làm ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch.
Ngoài estrogen, các hormone khác cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc gây đau nhức cơ và khớp ở phụ nữ. Các hormone này gồm:
☛ Prostaglandin. Hormone này được giải phóng từ tử cung và gia tăng khi bạn bắt đầu hành kinh. Nó có nhiệm vụ tạo ra các cơn co thắt ở tử cung để tống kinh nguyệt ra ngoài. Tuy nhiên, nếu nồng độ hormone này tăng lên quá cao, vượt mức cần thiết, nó có thể khuếch tán ra khỏi tử cung, hòa vào máu và đi tới các khu vực khác. Khi đi tới các vùng lân cận, nhiều phụ nữ bắt đầu gặp các cơn đau kinh nguyệt, như đau bụng kinh, đau lưng dưới, đau các khớp xung quanh,…
Sự gia tăng nồng độ prostaglandin trong mô nội mạc tử cung khi bắt đầu hành kinh có thể góp phần làm xuất huyết kinh nguyệt nhiều . Sự gia tăng nồng độ prostaglandin trong mô nội mạc tử cung khi bắt đầu hành kinh có thể góp phần làm xuất huyết kinh nguyệt nhiều .
☛ Magiê. Khi nồng độ estrogen giảm xuống, thì mức độ (hoặc độ hiệu quả) của một số khoáng chất trong cơ thể cũng có thể thay đổi theo. Trong đó, estrogen có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ và sử dụng magiê hiệu quả. Trong điều kiện bình thường, magiê có tác dụng chống viêm, chống có rút cơ, giúp cơ bắp khỏe mạnh, phòng chống loãng xương. Khi esrtogen suy giảm, nồng độ magiê trong cơ thể cũng giảm theo và có thể gây ra tình trạng co rút cơ, khiến nhiều nữ giới bị đau nhức khớp, xương.
☛ Các chất trung gian gây viêm khác. Khi estrogen, prostaglandin và magiê thay đổi nồng độ, nó cũng có thể ảnh hưởng tới nhiều chất trung gian gây viêm, đặc biệt là protein phản ứng C (CRP). Đây là một chất do gan sản xuất để phản ứng với tình trạng viêm. Khi các hormone trong cơ thể suy giảm, nồng độ CRP có thể tăng lên và góp phần gây ra một số triệu chứng đau nhức trong khi hành kinh, bao gồm đau lưng, khớp và cơ.
Phụ nữ nhạy cảm với nỗi đau hơn nam giới
Thay đổi nồng độ hormone chỉ là một phần trong bức tranh nguyên nhân khiến nữ giới bị đau nhức trong chu kì kinh nguyệt. Trong nhiều nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng, endorphin – một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn ở nam giới so với nữ giới. Điều này khiến phụ nữ nhạy cảm với nỗi đau và dễ bị đau hơn nam giới.
Một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bang Louisiana, ở Shreveport cho biết: Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, phụ nữ tiết ra ít dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng gửi thông điệp giữa các tế bào thần kinh) hơn nam giới. Nếu không có đủ dopamine, endorphin không thể hoạt động hiệu quả. Endorphin viết tắt từ endogenous morphine, nghĩa là “morphin nội sinh”, đây là một chất giúp một người đối phó với căng thẳng và giảm cảm giác đau.
Ngoài ra, sự khác biệt về cấu trúc ở phụ nữ cũng góp phần gây ra một số loại đau khớp. Ví dụ, phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho hay: Phụ nữ có xu hướng mềm dẻo hơn nam giới do sự lỏng lẻo ở các khớp xương. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng nguy cơ khiến xương cọ xát vào nhau và gây ra đau khớp.
Phụ nữ phản ứng với thuốc giảm đau khác nam giới
Phụ nữ phản ứng với một số loại thuốc giảm đau khác với nam giới. Nguyên nhân của điều này là do:
- Sự dao động hormone có thể làm giảm lượng thuốc lưu thông trong máu, dẫn đến thuốc bị giảm hiệu quả.
- Hệ thống tiêu hóa của phụ nữ chậm hơn nam giới, khiến một số loại thuốc giảm đau mất nhiều thời gian hơn để qua đường tiêu hóa và tới được nơi chúng cần.
Và ngay trước khi tới kì kinh, độ nhạy cảm với cơn đau của nữ giới sẽ tăng lên, cộng thêm với hai điều trên, nếu họ dùng thuốc không đủ liều thì rất dễ bị đau khớp hoặc đau khớp trầm trọng hơn khi kì kinh tới.
Làm thế nào để giảm đau khớp trong kì kinh?
Nếu bạn thường xuyên bị đau nhức xương khớp khi kì kinh tới, hãy chuẩn bị trước để đối phó với cơn đau, điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn và giảm đi phần nào sự khó chịu, mệt mỏi trong những ngày “rớt dâu”. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Cách giảm đau khớp trong kì kinh
☛ Chườm nóng hoặc lạnh. Cả chườm lạnh và nóng đều có thể giúp giảm đau khớp. Bạn có thể thử cả hai cách để xem cách nào phù hợp với mình hoặc có thể thực hiện xen kẽ giữa hai cách trên. Để thực hiện liệu pháp chườm nóng hoặc lạnh tại nhà, dưới đây là một số cách:
- Chườm nóng: Sử dụng túi chườm nóng (có thể mua tại các cửa hàng); cho hạt đậu, gạo hoặc lúa mạch chưa nấu vào một chiếc tất cũ rồi quay trong lò vi sóng khoảng 1-2 phút, sau đó mang ra chườm lên vùng khớp bị đau (lưu ý: cần kiểm tra túi đậu trước khi chườm để tránh việc chúng quá nóng và gây ra bỏng);…
- Chườm lạnh: Sử dụng túi chườm lạnh; lấy đá cho vào một chiếc túi rồi bọc qua một chiếc khăn, sau đó túm lại và chườm vào vùng khớp bị đau (lưu ý: không chườm trực tiếp đá lên da để tránh bỏng lạnh).
Mặc dù đây chỉ là giải pháp ngắn hạn nhưng nhiệt có thể giúp giảm đau trong nhiều trường hợp. Chườm nóng giúp các mạch máu tại chỗ giãn ra, đưa nhiều chất dinh dưỡng đến khớp hơn, giúp giãn cơ khóp. Chườm lạnh thì có tác dụng ngược lại, giúp co mạch, giảm sưng viêm. Ngoài ra, khi thực hiện việc chườm nóng hoặc lạnh, các thụ thể nhiệt sẽ được kích hoạt, làm gián đoạn tạm thời các thụ thể gây đau.
☛ Nghỉ ngơi. Nếu như trước kì kinh, bạn được khuyến khích tập thể dục thể thao đều đặn. Thì bước vào kì kinh, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và đối xử nhẹ nhàng với bản thân. Điều này không chỉ cho thời gian để các khớp được nghỉ ngơi, thư giãn mà nó còn giúp bạn giảm nhiều chứng đau khác.
☛ Sử dụng thuốc giảm đau. Có nhiều loại thuốc giảm đau giúp giảm đau khớp trong kì kinh. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này và tuân thủ đúng theo hướng dẫn sử dụng. Bởi nếu lạm dụng các loại thuốc giảm đau khớp, bạn có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Chẳng hạn các vấn đề về dạ dày (đau, táo bón, tiêu chảy, loét), gan, mật.
☛ Thực hiện đúng theo kế hoạch điều trị. Nếu bạn đang mắc các bệnh xương khớp. Hãy tuân thủ đúng theo kế hoạch điều trị, ngay cả khi kì kinh đang tới. Điều này giúp bệnh được kiểm soát tốt và hạn chế các triệu chứng trở nên tồi tệ khi kì kinh đến.
☛ Thực hiện theo một chế độ ăn uống giàu magiê. Như ta đã nói ở trên, thiếu hụt magie có thể thúc đẩy quá trình viêm trong cơ thể – là nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm rất tốt, bởi chúng có chứa các chất chống oxy hóa đặc biệt tốt cho xương khớp.
Bạn hãy cố gắng uống đủ nước, ăn nhiều trái cây tươi, rau củ (nhiều rau lá xanh, hạt, các loạiquả hạch, đậu), các loại thực phẩm giàu magiê, omega-3. Ăn ít chất béo động vật, thực phẩm chế biến, carbohydrate tinh chế, đường, caffein và rượu.
☛ Xem thêm: Đau nhức xương khớp nên ăn gì?
Kế hoạch giảm đau khớp lâu dài
☛ Dành thời gian để tập thể dục. Tập thể dục thể thao đều đặn giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp (để nâng đỡ hệ thống xương khớp tốt hơn), tăng tính linh hoạt của khớp, gân và dây chằng, đẩy các độc tố ra khỏi khớp nhờ tăng cường tuần hoàn máu tới khớp. Từ đó giúp giảm tình trạng đau nhức xương khớp.
Ngoài ra, nó còn giúp bạn chống lại mệt mỏi, tăng cường tinh thần, tăng mức độ chất hóa học endorphin (là một trong các nguyên nhân khiến các cơn đau trở nên tồi tệ hơn).
Vì thế, bạn hãy lựa chọn bất kì bộ môn nào mà mình yêu thích rồi tập luyện thường xuyên nhé. Hãy cố gắng biến việc tập luyện thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Về lâu dài, điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể của bạn, không chỉ riêng xương khớp.
☛ Ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn uống không thể chữa khỏi đau khớp, nhưng việc ăn uống cung cấp cho cơ thể những “nguyên liệu” cần thiết để đối phó với cơn đau và bệnh tật tốt hơn. Việc bạn ăn uống như thế nào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn như vậy.
Vì thế, ngay từ thời còn trẻ, bạn hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, cân bằng dinh dưỡng.
Tóm lược
Nữ giới thường bị đau nhức xương khớp khi bước vào kì kinh. Nguyên nhân của vấn đề này là do một loạt các sự kiện cùng diễn ra, mà tiêu biểu nhất là do sự dao động của các hormone trong chu kì kinh nguyệt.
Để hạn chế và giảm đau khớp trong những ngày “rớt dâu”, bạn nên có một kế hoạch theo dõi lâu dài và thực hiện một số mẹo để giảm đau khi kì kinh tới như đã gợi ý ở trên nhé.
Ý kiến của bạn