Tại sao phụ nữ lại có kinh nguyệt và thấy đau bụng vào những ngày “đèn đỏ”, sao nhiều chị em lấy chồng xong là khỏi đau bụng kinh… là những thắc mắc phổ biến, kiến thức cơ bản bạn cần phải biết. Sau đây bác sỹ Lê Thúy Tươi sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến hiện tượng kinh nguyệt này.
Kinh nguyệt là gì?
Khi bạn dậy thì, bạn từ một bé gái ngây thơ biến thành thiếu nữ. Đó là do buồng trứng bắt đầu hoạt động, bài tiết hoóc môn, tác động vào lớp lót bên trong niêm mạc tử cung (gọi là nội mạc) để chúng biến đổi theo kiểu trồi lên, sụp xuống. Sự biến đổi nội tiết này làm đứt mạch máu nơi đây khiến nội mạc tử cung không được nuôi dưỡng. Cơn co tử cung sẽ khiến nội mạc bong tróc và máu chảy ra ngoài lẫn những mảnh nội mạc.
Tại sao gọi là kinh nguyệt?
Kinh là máu và nguyệt là tháng. Bạn gái bình thường mỗi tháng có kinh một lần. Các nhà khoa học gọi từ lúc có kinh đến khi mãn kinh là “thời kỳ hoạt động sinh dục” của phụ nữ bởi có kinh là có thể có em bé và mãn kinh thì gần như hết trứng.
Tại sao phụ nữ lại có kinh?
Mỗi tháng ở buồng trứng có một nang trứng chín, lớp áo trong của nang sẽ tiết ra estrogen làm tái tạo và dầy nội mạc tử cung. Đến giữa chu kỳ, dưới ảnh hưởng của LH (Luteinizing Hormon) của tuyến yên, trứng thoát nang gọi là “rụng”, vỏ trứng chuyển sang màu vàng gọi là hoàng thể. Hoàng thể tiết progesteron tiếp tay với estrogen để nội mạc dầy lên, ứ nước và tiết dịch chứa glycogen.
Nội mạc tử cung dầy lên nhằm đón trứng đã thụ tinh về làm tổ. Nếu trứng không được thụ tinh thì nó teo lại, tan ra, còn hai hoóc môn thấy hết việc bèn không làm gì nữa. Nồng độ 2 hoóc môn trong máu giảm hẳn sẽ làm các mạch máu nuôi nội mạc tử cung co lại. Lúc đầu, chúng co giãn nhịp nhàng, sau co nhanh hơn rồi thít chặt như ta buộc sợi chỉ rồi đứt và một lượng máu chảy ra, đọng dưới nội mạc. Mấy ngày sau nội mạc suy dinh dưỡng bắt đầu bị bong tróc từng phần, cơn co tử cung sẽ giúp đẩy máu ra ngoài tạo kinh nguyệt.
Vậy là máu kinh rất sạch?
Nói chính xác là vô trùng bởi nó là máu chảy trong lòng mạch ra. Đây là điều khiến các bạn gái yên tâm bởi lâu nay vẫn có người cho rằng máu kinh là “dơ dáy”.
Tại sao máu kinh không đông?
Máu chảy ra rồi đọng dưới nội mạc tử cung. Ban đầu chúng đông lại, sau đó chừng một ngày, chất pasminogen trong máu sẽ làm tan cục máu đông, máu trở thành lỏng và chảy ra ngoài, vì thế bạn thấy máu kinh không đông.
Thế tại sao thỉnh thoảng vẫn có máu cục?
Đó là do những cục máu đông chưa đủ thời gian tan ra đã bị đẩy ra ngoài. Khi ấy bạn thấy bụng chướng và có những cơn đau bụng dưới rất rõ.
Vì sao con gái lại bị đau bụng khi có kinh?
Muốn tống máu ra ngoài thì cơ tử cung phải co lại. Lúc này chất prostaglandin xuất hiện và gây ra đau bụng kinh. Mỗi lần cơ tử cung co thì prostaglandin lại tiết ra thêm một chút.
Vậy tại sao có người đau nhiều, người đau ít?
Prostaglandin tiết ra thì phải có kẻ tiếp nhận. Những kẻ tiếp nhận ấy được gọi là chất cảm thụ đặc hiệu (receptor). Mức độ hoạt động của những chất cảm thụ đặc hiệu ở mỗi người khác nhau. Có người chúng rất khoái chí thì cái đau dữ dội. Ở người khác chất tiếp nhận hững hờ thì chỉ đau nhâm nhẩm mà thôi.
Thế thì tại sao ở cùng một người, có tháng đau nhiều lại có tháng đau ít?
Kinh nguyệt chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Nếu bạn đang căng thẳng trong kỳ thi, trong mối quan hệ gia đình, bè bạn thì cũng là yếu tố thuận lợi để chất cảm thụ đặc hiệu nhạy hơn với prostaglandin và làm bạn đau hơn.
Có người nói cứ lấy chồng thì hết đau bụng kinh là sao?
Điều này cũng… hơi hơi đúng trong một số trường hợp. Chúng ta biết đứng gác cửa âm đạo có màng trinh. Gọi là “màng” nhưng nó không bít kín như các bạn lầm tưởng. Mỗi màng có từ 3-6 lỗ nhỏ cho máu kinh đi ra. Nếu bạn nào ra đời mà màng trinh chỉ có 1-2 lỗ bé tí thì khi có kinh cơ tử cung phải co thật mạnh mới đủ áp suất mà đẩy máu kinh ra ngoài. Co mạnh thì prostaglandin tiết ra nhiều và đau nhiều hơn. Khi bạn lập gia đình, quan hệ vợ chồng sẽ “khai thông” làm cho đường ra không bị bít nữa thì bạn hết đau thật.
Có người thấy kinh lần đầu đau bụng vật vã phải vào viện?
Có nhưng rất hiếm. Đó là những người có màng trinh bít kín, không có lỗ nào. Tử cung co nhưng máu không thoát ra ngoài. Khối máu kinh chừng 80-120 ml bị ứ lại gây đau kinh khủng như bà bầu đau đẻ và chỉ cần bác sĩ dùng đầu dao mổ rạch một đường nhỏ, máu có đường thoát là hết đau.
Có người sau khi lấy chồng, có con rồi mới bị đau bụng kinh và đau dữ lắm, là sao?
Trường hợp này phải gặp bác sĩ phụ khoa mới xác định rõ được. Có thể người này bị một bệnh gọi là “lạc nội mạc tử cung”. Những mảnh nội mạc như đã nói ở trên không theo máu kinh ra ngoài mà lại bị đẩy ngược lên buồng trứng, qua loa vòi rơi vào ổ bụng, có mảnh gắn vào bàng quang…
Khi nội mạc biến đổi trong chu kỳ kinh thì những mảnh đi lạc này cũng biến đổi như thế. Khi nội mạc chảy máu thì chúng cũng chảy máu nhưng máu không có đường thoát nên ứ lại gây đau. Khi hết kinh những chỗ đi lạc trở thành mô sẹo và chu kỳ sau lại thế. Những người bị lạc nội mạc tử cung mỗi khi có kinh là một cực hình. Họ phải gặp bác sĩ phụ khoa, các bác sĩ dùng laser đốt hết những mảnh lạc đó thì mới đỡ đau được.
Tại sao có người đau bụng kinh kèm theo tiêu chảy?
Chúng ta biết cơ trơn tử cung được điều hành bởi hệ thần kinh tự động. Khi cơ trơn tử cung được phát động “co”, ruột là “láng giềng gần” chịu luôn tác dụng cũng co bóp nhiều hơn nên bạn bị tiêu chảy chừng 3-4 lần trong ngày. Hết kinh lại hết tiêu chảy. Bạn nào hay lo lắng ưu phiền thường bị tình trạng này.
Tại sao có người lại đau đầu trong ngày hành kinh?
Prostaglandin là một chất nội tiết. Khi tiết ra nó chạy luôn vào máu và theo dòng máu đến toàn thân, lên đầu gây đau đầu, đến lưng gây đau lưng. Có bạn than đau toàn thân và trở nên khó tính khó nết vô cùng.
Có mấy loại đau bụng kinh?
Thường đau bụng kinh chia làm 2 loại: Đau bụng kinh nguyên phát gặp ở các bạn mới dậy thì. Đau bụng kinh thứ phát: sau 3 năm đau bụng mà không hết. Thứ phát có thể gặp nếu bạn bị viêm nhiễm âm ỷ ở tử cung do vệ sinh kinh nguyệt không đúng hoặc các chị có gia đình vệ sinh sau giao hợp không tốt hay bị nhiễm những bệnh lây qua đường tình dục.
Vậy khi bị đau bụng kinh có nên uống thuốc giảm đau?
Nên. Chúng ta tìm ra thủ phạm gây đau thì dùng thuốc mà “đánh” nó. Có bạn hỏi: uống vậy có sao không? Bạn có thể yên tâm, thuốc vào cơ thể, làm xong nhiệm vụ “đánh” prostaglandin thì qua gan, được gan liên hợp với một chất khác rồi thải ra ngoài bằng đường phân và nước tiểu.
Có cách nào như ăn kiêng mà đỡ đau không?
Có, nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng cho thấy: bạn nào bị đau bụng kinh thì trước khi có kinh 7-10 ngày, bạn giảm ăn chất đạm, đường, chất béo, tăng rau xanh sẽ bớt đau. Tại sao vậy? Bởi nguyên liệu để tổng hợp prostaglandin ít đi thì chúng làm sao mà bài tiết nhiều được.
Nghe nói Omega 3 cũng tốt?
Omega 3 quả là có làm dịu, làm đỡ đau nếu trước khi có kinh 7 ngày bạn uống ngày 2 viên. Tuy nhiên nó làm giảm cảm giác chướng bụng thì đúng chứ đau dữ dội thì không thể chặn được.
Lại có người khuyên uống vitamin B6?
Theo các nhà khoa học Anh, nếu bạn uống mỗi ngày 100 mg vitamin B6 trước khi có kinh một tuần thì cái đau sẽ bớt dữ dội hơn.
Kim Nhung đã bình luận
Thưa bác sĩ hiện nay cháu 14 tuổi cháu bị kinh nguyệt từ hồi 11 tuổi. Cháu thấy gia đình cháu nói là khi bị sớm sẽ không cao được và có bụng chân rồi thì không cao được nữa. Mà cháu lại k phải gầy, chỉ là béo hơn mức bình thường một tí nhưng chưa được gọi là béo. Thưa bác sĩ liệu điều mà gia đình cháu nói là đúng hay sai ạ. Hiện tại cháu mới có 1m56 liệu cháu có cao được nữa k ạ thưa bác sĩ. Mong bác sĩ giúp cháu với, cháu không muốn lùn một tẹo nào cả
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào cháu!
Cháu dậy thì năm 11 tuổi là hoàn toàn bình thường, không phải quá sớm. Hơn nữa không có căn cứ cho việc dậy thì sớm sẽ không thể cao lớn. Cháu nên duy trì một lối sống khoa học, ăn uống đủ chất, luyện tập thể dục thể thao,… thì cơ thể sẽ phát triển tốt nhất nhé! Hiện giờ cháu mới 14 tuổi thì cháu sẽ còn cao thêm nhiều.
Chúc cháu luôn vui khỏe!
Phương Thảo đã bình luận
Chào bác sĩ năm nay cháu 14 tuổi – lớp 8. Vào một lần đi tập văn nghệ về tự nhiên cháu thấy ra một ít máu ở quần. Đầu tiên cháu tưởng là đến thời kì nhưng không phải vì lúc sau nó không hề ra máu nữa mà hết hẳn. Vậy cháu có làm sao không hả bác?
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào cháu!
Hiện tượng của cháu chính là có kinh nguyệt lần đầu tiên. Thường có thể sau 6 tháng đến 1 năm mới có lần 2 cũng là bình thường cháu nhé!
Cháu điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện cơ thể tốt để có thể phát triển tốt nhất trong giai đoạn này nhé!
Phương Thảo đã bình luận
Nhưng thưa bác sĩ cháu đã có kinh nguyệt từ hồi lớp 5 rồi mà, tại sao lại lần đầu được ạ
Phương Thảo đã bình luận
Khi cháu tìm hiểu trên mạng thì cháu thấy bảo do hoạt động mạnh hoặc thụt rửa,…..và đó là bị rách màng trinh, liệu có thật vậy không ạ thưa bác sĩ???
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Vì cháu mô tả không rõ ràng nên chuyên gia dự đoán đó là lần ra máu đầu tiên. Nếu cháu băn khoăn về việc 1 chút máu khi hoạt động mạnh có phải rách màng trinh hay không thì cháu phải đi kiểm tra. Màng trinh là một màng rất mỏng, có thể rách do quan hệ tình dục lần đầu nhưng cũng có thể rách vì nhiều nguyên nhân như chơi thể thao, tai nạn,…
trần hoa đã bình luận
chào bác sĩ , năm nay cháu 16 tuổi , khoảng 2 đến 3 tháng nay tới đầu chu kì kinh nguyệt là cháu lại bị buốt âm đạo . liệu cháu có bị làm sao không và cách chữa như thế nào ạ
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào cháu!
Thông thường đau bụng kinh, hay cảm giác buốt trong thời kỳ kinh đa phần các bạn gái đều gặp phải, cháu có thể dùng thêm sản phẩm giúp điều hòa kinh nguyệt như Khang Nữ Đan để cải thiện tình trạng của mình.
Còn nếu vẫn đau buốt nhiều thì nên đi kiểm tra xem có bị viêm nhiễm đường niệu không.
Ra khí hư nhiều cũng là dấu hiệu của viêm phụ khoa.
Chúc cháu vui khỏe!
Hoàng Hạ linh đã bình luận
chào bác sĩ.Năm nay cháu 12 tuổi đã có kinh nguyet nhưng tại sao lượng kinh ra cũng không nhiều nhưng lại ra tren 7 ngày hoac là 6 ngày. Máu khi ra có màu nâu đen,nhung em có kinh dã được bốn lần.Vậy em có bị sao không ạ?làm cách nào để chữa trị
Vân đã bình luận
Chào Bác sĩ, năm nay cháu 14 tuổi cháu có kinh được hơn 1 năm rồi ạ nhưng 2 tháng gần đây cháu bị ra kinh nguyệt màu đen 2 tháng liền và nó bị ra ít lắm cho cháu hỏi là như thế có bị làm sao ko ạ?
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào cháu!
Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng bình thường đánh dấu khả năng sinh sản của người phụ nữ. Một chu ki kinh nguyet bình thường kéo dài khoảng 3-4 ngày hoặc 5-6 ngày và lượng máu ra khoảng 50-100ml. Màu của kinh nguyệt thường ngày đầu nhợt nhạt, mấy ngày sau màu đỏ thẫm, ngày cuối lại hơi đỏ nhợt, máu kinh không đông, không có mùi hôi hám.
Những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt không đều như: rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, mất kinh, kinh nguyệt ra ít, hay kinh nguyệt ra nhiều…thì có thể do một số nguyên nhân như do buồn rầu, lo nghĩ hoặc do cơ thể suy nhược, do ăn uống quá thiếu thốn, hoặc do sau tiểu phẫu , sau nạo phá thai …
Trường hợp của cháu lượng kinh ra ít hơn bình thường, số ngày kinh ngắn đi được gọi là thiểu kinh.
Nếu kinh ra sau kỳ, lượng kinh ít, màu nhợt hoặc xám đen, chất loãng sắc mặt trắng bợt, thích nóng, sợ lạnh, chân tay lạnh, bụng đau liên miên, thích được chườm nóng, môi nhợt… thì được xếp vào thể huyết hàn.
Còn nếu có các triệu chứng như kinh ra sau kỳ, lượng ít, màu tím đen, bụng dưới chướng đau, không thích xoa nắn, khi huyết cục ra bớt thì đỡ đau, ngực bụng chướng đầy, đại tiện táo bón, nước tiểu ít, đỏ, thì được xếp vào thể huyết ứ.
Nếu kinh ra trước kỳ hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt không nhất định, sắc kinh đỏ tía có cục,sắc mặt xanh xám, tinh thần uất ức, căng thẳng, trước khi có hành kinh bầu vú căng lên, lúc hành kinh bụng dưới trướng đau, ngực tức, đầy bụng ợ hơi, môi khô, háo nước thì được xếp vào thể khí uất.
Để biết chính xác là bệnh gì cháu nên đi khám bác sĩ phụ khoa để sớm phát hiện và điều trị bệnh. Kinh nguyệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe sinh sản chính vì vậy, cháu cần đặc biệt chú ý, quan tâm và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để có một chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh.
Phương Lan đã bình luận
Chào bác sĩ, năm nay e 28 tuổi, e đã có gia đình nhưng chưa có e bé. chu kỳ kinh của e là 30-35 ngày, tháng vừa rồi e bị vào ngày 13 âm lịch, theo chu kỳ thì đến 13 – 18 âm lịch tháng này e mới bị nhưng đến ngày mùng 9 âm khi 2 vc qh thì e có ra 1 ít dịch mầu mâu, khi e đi rửa thì có ra 1cục bằng đầu ngón tay út, e bóp thì nó nhớt nhớt và k có mùi j cả. Bác sĩ cho e biết hiện tượng của e là bị làm sao ạ, tháng trước e đi khám thì trong tử cung của e k có u hay dị tật gì cả.
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào em!
Hiện tượng em mô tả là khí hư bị vón cục trong lòng tử cung bị đẩy ra, đây là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên nếu nó lặp lại và có màu nâu như trên, cũng như có mùi lạ thì em cần đi khám phụ khoa để phát hiện sớm bệnh lý.
Chúc em vui khỏe!
nguyen thi yen đã bình luận
Chào Bác sĩ!
Năm nay tôi 30 tuoi. tôi sinh con so được 15 thang tuổi. chu ky kinh nguyệt của tôi thường 6 ngày .nhưng tai sao tháng này tôi hết 1 tuần rồi thì lại có hiện tượng ra mấy giọt. có phải tôi bị rong kinh không? nếu bị thế này tôi có sinh duoc con nữa không?
be lan đã bình luận
Chao bac si.
Con nam nay 20 tuoi.bi mat kinh duoc 4 thang.co quan he voi nguoi yeu may lan nhung khong dung bat ky loai thuoc tranh thai nao ca.vay bac si cho con hoj lieu nhu vay co anh huong gi khong?
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào con!
Con mất kinh 4 tháng, nếu con chưa thử thai thì điều cần thiết ngay lúc này là thử thai con nhé!
Nếu không thì hiện tượng của con là mất kinh thứ phát.
Có rất nhiều yếu tố gây ra mất kinh thứ phát như do yếu tố thần kinh, tâm lý: mất kinh có thể gặp sau những xúc động mạnh mẽ về tinh thần; vui buồn quá mức, lo sợ quá mức như chiến tranh, quá mong có em bé (có thai tưởng tượng), di chuyển chỗ ở, những bệnh về tinh thần kinh, động kinh, tâm thần phân liệt… Yếu tố dinh dưỡng: Chán ăn kéo dài, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng nhất là thiếu vitamin, chế độ giảm cân quá mức,…Yếu tố nội tiết: Gồm những thay đổi chủ yếu ở buồng trứng (khối u), bệnh của tuyến yên (teo tuyến yên), bệnh tuyến giáp (cường giáp), bệnh tuyến thượng thận (cushing, Addison). Nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính: Thương hàn, phát ban, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống, thấp khớp, lao. Ngoài ra mất kinh thứ phát có thể do thiếu máu nặng, nhiễm độc mãn tính chì, thủy ngân, rượu, thuốc phiện, nhiễm phóng xạ hay do các bệnh về phụ khoa như cắt tử cung, buồng trứng dính sau nạo, bàng quang âm đạo.
Để có thể tìm rõ nguyên nhân gây nên hiện tượng mất kinh thứ phát cần đi khám chuyên khoa phụ sản để có thể điều trị theo nguyên nhân, sớm chữa khỏi bệnh.
Lê Thu Hồng đã bình luận
Chào bác sĩ!
Bác sĩ cho em hỏi là đến kỳ kinh thì em không bị đau bụng nhưng đau lưng kinh khủng. Vậy nguyên nhân do đâu ạ? Có phải lấy chồng sẽ hết đau lưng không ạ?
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào em!
Đau lưng cũng là một trong những triệu chứng trong thời gian tiền kinh nguyệt hoặc có kinh nguyệt.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến đau lưng khi có kinh là:
– Nguyên nhân chủ quan:
+ Dùng nhiều chất kích thích trước ngày có kinh như: cafe, rượu bia
+ Chế độ ăn nhiều muối
+ Hoạt động thể lực quá mức
+ Không nghỉ ngơi, ăn uống điều độ
– Nguyên nhân khách quan:
+ Do rối loạn chuyển hóa hoóc môn
+ Do những thay đổi nội tiết tố Prostaglandin
+ Dư thừa của prostaglandin gây dysmenorrheal, đau kinh nguyệt, co thắt nặng.
+ Mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
Các phòng và điều trị đau lưng khi có kinh:
Dựa trên hai nguyên nhân đau lưng khi có kinh trên chúng ta sẽ có những cách phòng và điều trị như sau:
– Tập thể dục nhẹ nhàng: những bài tập như đi bộ, yoga giúp tăng lưu lượng máu đến lưng và vùng xương chậu, từ đó giúp giảm các cơn đau
– Massage nhẹ nhàng quanh vùng bụng và lưng
– Chế độ ăn nhiều rau quả và hạn chế đường, muối.
Uống nhiều nước: trong thời kì bạn gái sẽ bị mất máu do đó dẫn đến thiếu nước, nếu k uống đủ nước sẽ làm nặng thêm cơn đau
– Tránh các chất kích thích như rượu, bia, cafe
– Chườm nóng và tắm nước ấm
– Nghỉ ngơi nhiều hơn: các bạn có thể nằm ngửa hoặc nằm nghiêng về bên phải một cách thoải mái nhất cũng sẽ giúp làm giảm các cơn đau.
– Dùng thuốc giảm đau như: asprin, ibuprofen có tác dụng với những trường hợp đau nhẹ, nếu đau dữ dội, quằn quại thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị kịp thời
– Một số bài thuốc từ y học cổ truyền như: châm cứu và xoa bóp bấm huyệt sẽ đem lại cho các bạn gái một kì kinh nguyệt thoải mái và dễ chịu.
thảo đã bình luận
bác sĩ ơi!
mẹ cháu hay phân vân khi nhiều người nói sạch kinh sớm tầm 42 43 tuổi có thế ảnh hưởng phát sinh nhiều bệnh. bac sĩ giải đáp giúp cháu với ạ.
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào cháu!
Tuổi mãn kinh bình thường và được gọi là mãn kinh đúng tuổi là khoảng ngoài 50 tuổi, tiền mãn kinh xảy ra chừng độ trước 3-5 năm. Tức là tiền mãn kinh xuất hiện ở tuổi 45-47 tuổi. Còn mãn kinh sớm là tình trạng mãn kinh xảy ra trước tuổi 40. Những sự chuyển biến khác thường này là những chuyển biến không có lợi với cơ thể. Như vậy có nghĩa là mãn kinh sớm có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định về sức khỏe.
Các triệu chứng của mãn kinh sớm sẽ có là: rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, dần tiến tới sạch kinh và không có chu kỳ tái diễn, xuất hiện các cơn nóng bừng, các cơn bốc hỏa, mất ngủ, tăng cân, thay đổi tính tình mà thường thay đổi theo hướng tiêu cực như hay cáu bẳn vô cớ, hay bực mình và nóng nảy. Các triệu chứng khác bao gồm trầm cảm, đau đầu, giảm ham muốn tình dục, giao hợp đau, âm đạo khô và giảm tiết dịch.
Bên cạnh các triệu chứng của mãn kinh, người mãn kinh sớm còn phải đối mặt với các nguy cơ khác. Hệ trọng nhất đó nguy cơ bị bệnh tim mạch lớn hơn nhiều so với người có sự mãn kinh bình thường. Không những thế họ còn dễ bị bệnh nặng hơn và dễ bị tử vong hơn. Họ cũng sẽ bị tăng nguy cơ và mức độ loãng xương do mãn kinh sớm gây ra. Họ sẽ là người bị loãng xương sớm hơn, nặng hơn và dễ bị gãy xương hơn so với các phụ nữ thông thường. Các bệnh về răng miệng cũng hay xảy ra hơn và bệnh đục thủy tinh thể có thể rất trầm trọng ở một số người.
Muốn hệ sinh sản hoạt động nhịp nhàng và ít bị ảnh hưởng, mẹ cháu cần có một cuộc sống thoải mái, vui tươi, yêu đời, không áp lực và không bị những stress tình cảm. Những điều này rất có giá trị bảo đảm sự hoạt động sinh dục được tuần hoàn mà không có sự rối loạn.
Song song với các biện pháp trên, chúng ta cũng nên áp dụng các biện pháp bổ sung tự nhiên với tên liệu pháp dinh dưỡng. Tích cực sử dụng các thực phẩm giàu hormon sinh dục nữ rất có lợi cho cơ thể. Ví dụ như buồng trứng chuẩn bị đẻ của gà mái tơ, đậu nành, đậu xanh, giá đậu, mầm đậu nành, lạc, vừng, dừa…
Chúc cháu và gia đình luôn khỏe mạnh!