Khi bạn đã làm mẹ thì chuyện “nguyệt san” đến đi, thế nào là bình thường, thế nào là bất thường bạn đều có thể tự nhận ra. Làm sao cho tốt? Những yếu tố gây ảnh hưởng?… bạn đều biết hết. Nhưng bạn đừng quên cô con gái nhỏ mới hoặc đã bước vào tuổi dậy thì chưa đến tuổi trưởng thành và những điều truyền tai về kỳ “nguyệt san” này, tất cả đều cần lời giải thích của mẹ đấy!
1. Tắm hoặc gội đầu vào ngày “nguyệt san” sẽ làm máu kinh ra nhiều hơn
Đây là một quan niệm cũ luôn được truyền tai các bạn gái mới lớn, chắc hẳn các mẹ cũng từng tin điều này rồi. Tuy nhiên quan điểm này không chính xác, con gái nên được tắm gội, vệ sinh sạch sẽ trong những ngày này. Thứ nhất sẽ giúp thoải mái dễ chịu hơn trong những ngày thấy “khó ở”. Thứ hai là việc vệ sinh sạch sẽ giúp các bạn gái chống viêm nhiễm phụ khoa.
2. Bạn gái nên nghỉ ngơi trong suốt kỳ “đèn đỏ”, không nên tập thể dục
Sai. Nếu con bạn muốn tập thể dục thể thao đều đặn, không có lý do gì trong ngày hành kinh lại phải dừng lại, nếu có chỉ làm giảm mức độ nặng của môn thể thao đi thôi. Tập thể dục nhẹ nhàng trong những ngày này giúp bạn gái thư giãn, thoải mái, giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt và giúp giảm đau bụng kinh do tăng cung cấp oxy tới các cơ.
3. Trong ngày “đèn đỏ” nếu có quan hệ thì sẽ không có thai
Điều này là không chính xác vì khả năng tuy thấp hơn những ngày xung quanh ngày rụng trứng nhưng vẫn có xảy ra có thai khi quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ vào ngày “đèn đỏ”, nhất là với những bạn gái có chu kỳ kinh không đều, chu kỳ kinh quá ngắn khoảng 20 ngày. Sự rụng trứng của những bạn này khó đoán và có thể rơi vào chính ngày hành kinh.
4. Bạn gái nên đi khám ngay lần có kinh đầu tiên
Nếu không có vấn đề bất thường như đau bụng dữ dội hay chảy máu kéo dài,… thì bạn gái không cần phải đi khám phụ khoa. Việc khám phụ khoa thường xuyên 6 tháng một lần chỉ nên áp dụng khi bạn đã đủ 18 tuổi hoặc đã có quan hệ tình dục.
5. Còn “màng trinh” thì không được sử dụng tampon
Nhắc nhở con gái bạn về việc “màng trinh” rách thường là do quan hệ tình dục ở lần đầu tiên. Tuy nhiên đây là một lớp màng rất mỏng chắn ở cửa âm đạo, cấu tạo của nó ở từng bạn gái lại rất khác nhau và có thể rách do những hoạt đông khác như tai nạn, thể dục thể thao,… Và màng trinh không quyết định “trinh tiết” của người con gái. Việc sử dụng tampon có thể dẫn đến nguy cơ làm rách “màng trinh”, tuy nhiên nếu biết cách đưa tampon vào đúng chỗ và chọn kích cỡ tampon phù hợp thì có thể yên tâm.
6. Trong ngày “đèn đỏ” không thể đi bơi
Nếu con gái bạn muốn đi bơi/ tắm biển trong ngày “đèn đỏ”, cân nhắc về việc sử dụng tampon. Nếu cô bé không muốn dùng tampon thì chơi những trò chơi và ngắm cảnh biển cũng là những lựa chọn không tồi so với tắm biển đấy.
7. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là do tâm lý
Các triệu chứng PMS có liên quan đến các nội tiết tố của con gái bạn thay đổi thông qua chu kỳ hàng tháng của mình. Các triệu chứng có thể là các cảm xúc (như khó chịu, trầm cảm hay mệt mỏi hoặc các triệu chứng thực thể- vật lý (chuột rút hoặc đau đầu). Kiểm tra các hiện tượng PMS và khuyên con bạn nên làm những gì, ăn uống nghỉ ngơi thế nào để giảm các triệu chứng đó.
8. Tâm sự với con gái của bạn về chu kỳ trước lần hành kinh đầu tiên
Nếu bạn không nói chuyện với con gái trước về “nguyệt san”, cô bé có thể sợ hãi khi thấy bắt đầu chảy máu. Bởi vì bé gái thường bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt bất cứ lúc nào ở độ tuổi từ 9 đến 16 tuổi (đối với hầu hết các cô gái, độ tuổi trung bình là từ 11 đến 13tuổi). Thật khó để biết khi nào có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của con gái để các mẹ có thể tâm sự, vậy nên bạn hãy bắt đầu luôn khi có những dấu hiệu như ngực bắt đầu nảy nở và sự gia tăng mồ hôi, mụn trứng cá và tóc dưới cánh tay. Hãy nhắc nhở con gái rằng bé có thể nói chuyện với bạn về bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào cần.
Ánh Tuyết
Sưu tầm và biên soạn
Ý kiến của bạn